Quái vật Typhon - Cơn ác mộng của các vị thần trên đỉnh Olympus
(Zeus đánh bại cha mình là Cronus và các Titan khác, sau đó phạt họ thật nặng khiến Gaia bất bình).
Còn được mệnh danh là "cha của tất cả các quái vật", Typhon là vị ác thần khủng khiếp nhất trong thần thoại Hy Lạp mà Zeus và các vị thần trên đỉnh Olympus từng phải đối mặt.
Tuy sinh sau đẻ muộn, Typhon thực sự là một Titan (vị thần khổng lồ) theo nghĩa đen. Hắn là hiện thân của cái ác và sự ra đời của hắn là hậu quả đến từ chính những hành động bất chấp của Zeus.
Theo nhà thơ Hesiod, khi Zeus đánh bại các vị thần Titan cổ đại (con của nữ thần mặt đất Gaia) và trừng phạt họ thật tàn nhẫn để chiếm lấy ngôi vương trên đỉnh Olympus, vị thần sấm sét đã khiến Gaia phiền lòng. Bà ăn nằm với anh mình là Tartarus (thần vực thẳm) sinh ra Typhon. Gaia gieo vào tai con mình những lời hận thù đối với Zeus, khiến hắn căm giận và rắp tâm trả thù.
Dù theo thuyết nào đi nữa, sự ra đời của Typhon là một định mệnh để thử thách liệu Zeus có xứng đáng để cai quản trên đỉnh Olympus hay không.
Không chỉ là một vị thần khổng lồ, Typhon còn là một con quái vật dị dạng. Hắn cao gần như chạm đến bầu trời, sở hữu thân mình giống như một người đàn ông nhưng lại không có đôi chân, thay vào đó là một cái đuôi gồm hàng trăm con rắn lớn quấn lại giúp hắn di chuyển.
Nhà thơ Nonnus kể rằng:
Mỗi khi di chuyển, Trông Typhon như là một binh đoàn rắn đang bò trườn, trên những đầu rắn mọc ra đầu của những con vật khác như trâu bò, sư tử, chó sói và báo đốm... chúng gầm rống tạo thành "tiếng khóc của vạn con hoang thú".
Với hình dạng và sức mạnh của hắn, Typhon dường như vượt trội hơn tất cả những thực thể khác trên thế giới. Đầu hắn có một trăm con rắn, mỗi con lại phát ra âm thanh của một loài thú khác nhau. Mắt Typhon lóe lên ánh sáng đỏ, làm kinh sợ bất cứ ai nhìn vào, dưới bộ râu xồm xoàm lại là một cái miệng thở ra lửa. Trên người Typhon là hàng trăm cái cánh, tay hắn thì vươn dài từ Đông sang Tây, bàn tay có thể biến thành một cái đầu rồng đáng sợ.
Cuộc chiến vô tiền khoáng hậu với Zeus:
Typhon tiến đến đỉnh Olympus, những cái đầu rắn phát ra tiếng khò khè kinh tởm, trong khi những đầu thú còn lại thì không ngừng gào thét. Bằng tất cả sự thù hận dành cho Zeus, Typhon nhổ bật hàng trăm đỉnh núi xung quanh ném về phía vị thần sấm sét. Học giả Apollodorus kể lại, vì quá hoảng sợ trước cảnh tượng này, các vị thần trên đỉnh Olympus phải biến thành thú vật để trốn chạy.
(Typhon đối mặt với Zeus).
Zeus đánh bật tất cả những ngọn núi mà Typhon ném đến. Vị thần sấm sét nổi trận lôi đình, ông gầm lên khiến quả đất và bầu trời rung chuyển, tiếng gầm len lỏi đến tận những dòng chảy sâu nhất dưới đáy biển nơi thần Oceanus sinh sống. Trận chiến đầu tiên diễn ra trên mặt biển xanh giờ đã trở nên đen ngòm.
Trận chiến khủng khiếp khiến cả Gaia cũng phải kinh sợ, mặt đất trở nên xám xịt u sầu, những cơn sóng cuộn trào xung quanh chiến địa của hai vị thần bất tử. Lúc đó, Hades dưới địa ngục trở nên hèn nhát và run sợ trước sự phá hoại khủng khiếp mà ông phải chứng kiến.
(Zeus và Typhon giao tranh trên biển).
Typhon phun những quả cầu lửa như thiên thạch rơi xuống nhằm vào Zeus, nhưng thần sấm đã né được, từ trên đỉnh Olympus ông lao đến đấm từng cú trời giáng vào những cái đầu của Typhon, vật hắn ngã xuống đất. Lửa từ người của Typhon lan ra khiến đất đá tan chảy như đồng thau bị nung trong lò rèn. Thế nhưng hắn vẫn không bị đánh bại, họ cứ thế đánh với nhau vô số trận.
Có lần bị thất thế, Typhon tháo lui đến Caucasia (gần nước Nga ngày nay) khiến cả vùng này bị thiêu rụi, sau đó hắn lại chạy đến vùng đảo Pithecussae nước Ý, làm núi lửa Ischia phun trào. Tiếp đến cả hai tiếp tục giao chiến và di chuyển về núi Nysa ở Ba Lan rồi đến Ai Cập, nơi đây Typhon bị Zeus đánh và dìm xuống hồ Serbonis nhưng nó vẫn chưa chịu thua.
Zeus và Typhon giao tranh trên biển. (Ảnh: Typhon cầm hòn đá lớn chuẩn bị ném vào Zeus ở trên cao).
Dùng chiến thuật mới, Zeus đứng từ xa dùng 100 tia chớp đồng loạt đánh vào các đầu của Typhon, khiến hắn choáng váng. Lúc này, Zeus mới nhanh chóng tiến đến gần, lấy cái lưỡi liềm bằng kim loại adamantine của cha mình (thần Cronus) chém Typhon trọng thương khiến con quái vật phải tháo chạy về vùng núi Kasios ở Syria, tại đây Typhon dùng những cái tay đầy rắn tóm chặt mong siết chết Zeus, họ tiếp tục vật lộn với nhau thêm nhiều hiệp.
(Dù nhiều lần đánh trúng Typhon, Zeus vẫn không hạ được con quái vật này).
Typhon có sức mạnh cơ bắp vượt trội, hắn quấn lấy người Zeus bằng hàng trăm thân rắn nhớp nhúa, mỗi lần Zeus xé toạc con rắn nào thì ngay lập tức những con rắn khác đã lao vào thế chỗ. Chiếm ưu thế, Typhon nhân cơ hội cướp lấy cái liềm adamantine, cắt phăng và rút sạch gân tay gân chân của Zeus.
Gần như bị liệt, Zeus bất lực để Typhon cuốn chặt và đi đến vùng Cecilia. Tại đây, Typhon giao cho con rắn Delphyne canh giữ Zeus, lúc này đang bất động. Tưởng chừng như có thể chiến thắng, Typhon đã lơ là không cảnh giác, nó biến thành một con gấu và đi vào giấc ngủ dài để dưỡng thương.
(Trận chiến trên núi Kasios).
Nhân cơ hội ngàn năm có một này, thần Pan nửa người nửa dê liền đến dụ Typhon trong lốt gấu rằng sẽ cho nó một bữa tiệc toàn cá ngon khiến nó xao nhãng, lúc này thần Hermes (vị thần truyền tin, chạy nhanh nhất trong số các vị thần) nhanh tay ăn cắp những sợi gân và nối chúng lại cho Zeus. Trong khi đó, Apollo - thần mặt trời con trai của Zeus đã xuất hiện từ trên cao, giết chết con rắn Delphyne và giải thoát cho cha mình.
(Thần mặt trời Apollo dùng cung bắn chết rắn Delphyne).
Được nối lại gân, Zeus phục hồi sức mạnh, Zeus đánh Typhon lui ngược trở về vùng núi Nysa. Lúc này, 3 nữ thần số mệnh Moirai (hay Fates) là Clotho, Lachesis và Atropos đã dụ Typhon ăn trái cây độc, nói rằng hắn sẽ mạnh hơn nếu ăn nó. Typhon không ngờ tới, nó trở nên yếu hơn sau khi ăn loại trái cây lạ.
(Phục hồi sức mạnh, Zeus tái chiến với Typhon).
Thất thế và trọng thương trước đòn đánh của Zeus, Typhon trườn về vùng Thrace gần Hy Lạp, máu của nó chảy ra ngập úng một vùng núi, nơi ấy ngày nay gọi là "núi đẫm máu" (Núi Haemus). Cuối cùng, Typhon kiệt sức khi tháo chạy đến vùng Sicily nước Ý ngày nay, hắn dùng sức tàn quăng một ngọn núi vào Zeus nhưng ông dễ dàng đánh bật nó ra bằng lưỡi tầm sét. Cuối cùng, vị vua của đỉnh Olympus dùng hết sức lực nâng ngọn núi lửa Etna lên vai, đập xuống đầu con quái vật, hoàn toàn đánh bại nó.
(Zeus dùng núi Etna kết liễu con quái vật Typhon).
Dù thất trận nhưng cơ thể bất tử của Typhon không thể chết, Zeus đành quăng nó xuống đáy vực nơi ông vừa nhổ núi Etna lên, rồi dùng chính ngọn núi che kín lại, vĩnh viễn giam cầm Typhon bên dưới lòng núi nửa, chấm dứt cuộc chiến được xem là khủng khiếp nhất lịch sử thần thoại Hy Lạp, cuộc chiến này được cho là đã diễn ra trong thời gian hàng ngàn năm mới kết thúc.
Riêng phần Zeus, ông đã chứng minh mình là người dũng cảm nhất và mạnh nhất, việc đánh bại Typhon cũng là cách mà Zeus kết thúc những rắc rồi mà ông đã bắt đầu.
Núi Etna ở phía Đông đảo Sicily
Ngày nay, mỗi lần núi Etna phun trào, người dân Ý tin rằng chính vì Typhon đang giãy giụa tìm cách thoát thân.
(Hầu hết những đứa con lớn của Typhon đều bị Hercules giết chết. Thế nên khi Typhon tấn công, Hercules phải trốn chạy trong hình dạng một con nai).
Cha của mọi loài quái vật:
Trước khi nổ ra trận chiến với Zeus, Typhon từng ăn nằm với nữ quái Echidna, đẻ ra ra nhiều loại quái vật khác. Trong số đó có sư tử Nemean (đã bị Hercules giết chết, cắt đầu làm mũ đội).
Một trong số những đứa con nổi tiếng khác của Typhon là chó ba đầu Cerberus và chó hai đầu Orthrus, hiện đang canh giữ địa ngục cho thần Hades. Một đứa con khác của Typhon là quái vật rắn Ladon, nhận nhiệm vụ canh giữ trái táo vàng trong vườn Hesperides (sau đó cũng bị giết bởi Hercules khi anh làm nhiệm vụ lấy quả táo).
Đứa con thứ của Typhon là đại bàng xứ Caucasian, được Zeus ra lệnh ăn tim gan, tra tấn Prometheus mỗi ngày. Cả con rắn trăm đầu ở đầm lầy Lernaean cũng chính là con của Typhon và Echidna (cũng bị giết bởi Hercules trong một nhiệm vụ của anh). Quái vật Chimera (đầu dê, sư tử và đuôi rắn) cũng là một trong những đứa con rơi rớt của cặp đôi quái vật này.
con của typhon toàn là tay sai cho anh em nhà zeus:)))
Trả lờiXóa